Từ năm 2020 chúng tôi ngưng hỗ trợ viết luận văn
Email: dataluanvan68@gmail.com chuyên hỗ trợ xử lý số liệu SPSS AMOS
Facebook:https://www.facebook.com/dichvuspss2/

Việt Nam sẽ thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ Blockchain giai đoan 2021-2025

 Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) cùng với sự phát triển vô cùng nhanh chóng, vượt bậc của khoa học và công nghệ, nền kinh tế ảo trong thế giới mạng cũng phát triển không ngừng...

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) cùng với sự phát triển vô cùng nhanh chóng, vượt bậc của khoa học và công nghệ, nền kinh tế ảo trong thế giới mạng cũng phát triển không ngừng. Với các công nghệ mang tính đột phá đang đặt ra nhiều vấn đề pháp lý mới, trong đó có vấn đề tiền ảo. Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 942/QĐ-TTg), trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (Blockchain). Bài viết phân tích các lợi ích của phát hành tiền số dựa trên Blockchain, đề cập đến việc áp dụng công nghệ Blockchain và tiền ảo ở các nước trên thế giới, phân tích về việc phát hành, sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ Blockchain tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, từ đó, đưa ra một số khuyến nghị.
 
Lợi ích của việc phát hành tiền ảo dựa trên công nghệ Blockchain
 
CMCN 4.0 đã tạo ra nhiều sản phẩm, hình thức giao dịch, phương thức thanh toán, các loại tài sản mới... Một trong những sáng tạo nổi bật của cuộc cách mạng này là sự ra đời của công nghệ Blockchain và tiền ảo. Sự xuất hiện của các loại tiền ảo đang được cả thế giới quan tâm, đặc biệt là khi giá của Bitcoin và các đồng tiền ảo khác tăng một cách nhanh chóng và không ngừng thay đổi.
 
Có thể hiểu, tiền ảo là một dạng tiền kỹ thuật số (digital money). Hiện nay, đa số các loại tiền ảo không được kiểm soát, phát hành bởi chính phủ các nước, mà được tạo ra và quản lý bởi các nhà phát triển, được sử dụng, chấp nhận giữa các thành viên trong cộng đồng ảo. Cơ quan Giám sát Ngân hàng châu Âu (EBA) định nghĩa tiền ảo không phải một đơn vị tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương hoặc cơ quan công quyền phát hành, cũng không nhất thiết phải gắn liền với tiền pháp định, nhưng được nhóm, cộng đồng cụ thể chấp nhận làm phương tiện thanh toán và có thể chuyển nhượng, lưu trữ hoặc giao dịch điện tử. Thời gian qua, bên cạnh thuật ngữ tiền ảo được sử dụng thông dụng, các thuật ngữ “tiền kỹ thuật số”, “tiền thay thế”, “tiền Internet”, “tiền mã hóa” cũng được đề cập với nghĩa tương đương.
 
Tiền ảo có thể phân ra làm 2 loại: Loại tự do, không phụ thuộc quốc gia hay các tổ chức như các loại tiền ảo Bitcoin, Ethereum, Binance Coin... và loại tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương một nước phát hành (Central Bank Digital Currency - CBDC), ví dụ như đồng Nhân dân tệ số của Trung Quốc hay tiền Shekel của Israel.
 
Nói về lợi ích của tiền kỹ thuật số, khi phát hành đồng tiền CBDC, nó sẽ là phiên bản số hóa của đồng tiền các quốc gia. Thay vì Nhà nước phải in ra tiền giấy để đưa ra thị trường thì chỉ cần phát hành thêm tiền số trên hệ thống máy tính và quản lý nó bằng công nghệ số.
 
Như vậy, có thể nhìn thấy những lợi ích trước mắt khi sử dụng tiền số như: Giảm được chi phí in ấn, vận chuyển, chuyển đổi tiền ra các loại tiền tệ khác, việc giao dịch và truy vết liên quan đến tiền, chống rửa tiền sẽ hiệu quả hơn rất nhiều với việc dùng tiền theo cách truyền thống... từ đó, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia.
 

 
Về loại tiền ảo tự do như Bitcoin, nhiều người cho rằng, Bitcoin giống như một phiên bản số của vàng. Bởi vì, Bitcoin có những thuộc tính tương tự như vàng nhưng lại dễ dàng và thuận tiện hơn khi sử dụng. Sự phổ biến của tiền ảo còn xuất phát từ mong muốn tự do quản lý tài sản cá nhân mà không phải lo về ảnh hưởng của một bên thứ ba. Điều này chỉ có tiền số dựa trên Blockchain mới có thể mang tới. Blockchain có thể được áp dụng trong hầu hết các ngành  và các lĩnh vực.
 
Hiện nay, vấn đề về tiền ảo dựa trên công nghệ Blockchain đang ngày càng được nhiều chính phủ các nước quan tâm. Từ năm 2019, một báo cáo kinh tế của Quốc hội Mỹ gửi Văn phòng Tổng thống Mỹ đã đánh giá tiềm năng cao của Blockchain trong vấn đề đảm bảo an ninh cho hạ tầng số quốc gia của Mỹ. Trung Quốc từ năm 2016 đã coi Blockchain là một trọng điểm quốc gia trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm. Gần đây, quốc gia này mong muốn sẽ trở thành nước dẫn đầu thế giới về Blockchain trước năm 2025.
 
Hiện nay, trên 80 nước đã và đang nghiên cứu triển khai CBDC. Nhiều ngân hàng lớn trên thế giới đã lập các quỹ, các mạng xử lý, và các chương trình hỗ trợ vận hành tiền kỹ thuật số. El-Salvador là quốc gia đầu tiên chính thức hợp pháp hóa đồng Bitcoin. Việc nước này công nhận Bitcoin là tiền tệ hợp pháp cho thấy, giá trị của Bitcoin đủ lớn để được dùng là tiền tệ cho cả một quốc gia. Tuy nhiên, việc một quốc gia dùng Bitcoin là một tiền tệ hợp pháp có cả hai mặt hay và dở. Điều này phụ thuộc vào những đặc thù kinh tế, chính trị của riêng quốc gia đó.
 
Nếu đồng tiền của một quốc gia ngày càng mất giá trị, không ổn định và nhà nước không đủ khả năng để quản lý, việc dùng Bitcoin có thể là một lựa chọn tốt để cứu vãn nền kinh tế. Với một quốc gia cần nguồn thu đáng kể từ ngoại hối như trường hợp của El-Salvador, việc dùng Bitcoin cũng sẽ tăng được nguồn thu ngoại hối. Cụ thể, việc Chính phủ nước này thúc đẩy sử dụng tiền số nhằm loại bỏ chi phí chuyển tiền kiều hối về nước, ước tính lên đến 400 triệu USD/năm. Tuy nhiên, nếu muốn quản lý chặt tiền tệ, không muốn đồng tiền của nước mình bị mất giá hoặc tránh thất thoát tiền ra khỏi phạm vi quốc gia, việc công nhận Bitcoin là một tiền tệ chính thống có thể dẫn tới rủi ro. Điều này đặc biệt cần quan tâm trong bối cảnh giá Bitcoin vẫn thường xuyên lên xuống với biên độ lớn, giá trị chưa ổn định.
 
Các chuyên gia cho rằng, cách làm tốt nhất là sinh ra một loại tiền số quốc gia (phiên bản số của tiền giấy hiện tại). Đồng thời, từ khía cạnh quốc gia, cũng nên có một cái nhìn tích cực về Bitcoin cũng như các loại tiền số tương tự, bởi vì, tiền số có giá trị, dùng được để thanh toán, được công nhận ở rất nhiều nơi trên thế giới. Nó là một khái niệm “số hóa” của tiền tệ, được sinh ra bằng các kỹ thuật tính toán rất thông minh và các kết quả toán học chặt chẽ.
 
CBDC cho phép các giao dịch liên ngân hàng nhanh chóng hơn. Một đồng tiền số do ngân hàng trung ương quản lý giúp quản trị dòng tiền hữu hiệu hơn, tạo cơ hội để cộng đồng có thể phát triển các ứng dụng Fintech hữu ích. CBDC đảm bảo rằng, tiền của người dân sẽ không bị mất ngay cả khi ngân hàng tư nhân quản lý tài khoản của họ bị đổ vỡ. Về ảnh hưởng xã hội, CBDC cũng giúp ích cho nhiều công tác xã hội, ví dụ như gây quỹ từ thiện hay phân phát trợ cấp cho người nghèo, được thực hiện một cách nhanh chóng, minh bạch, dễ truy xuất.
 
Các chuyên gia cho rằng, nếu Việt Nam có được mạng Blockchain quốc gia và CBDC sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Nó cho phép mọi người dân Việt Nam có thể dùng được các dịch vụ tài chính, giao dịch thương mại thuận lợi, dễ dàng hơn, với chi phí thấp hơn. Điều đó có thể mang lại cơ hội vàng để Việt Nam vào nhóm các nước tiên phong của nền kinh tế mới dựa trên công nghệ.
 
Một số tiền ảo phổ biến dựa trên nền tảng Blockchain
 
Hiện nay trên thế giới, những đồng tiền ảo phổ biến nhất đều dựa trên nền tảng Blockchain. Cùng tìm hiểu một số loại tiền ảo tiêu biểu:
 
Bitcoin
 
Bitcoin được phát hành năm 2009, nó hoạt động dựa vào công nghệ Blockchain, có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào. Nhiều nhà đầu cơ coi Bitcoin là một kho lưu trữ giá trị tương tự các khoản đầu tư an toàn như vàng.
 
Bitcoin là loại tiền điện tử đứng đầu thị trường tiền ảo hiện nay với vốn hóa thị trường hơn 1.000 tỷ USD. Tuy nhiên, vị trí độc tôn của Bitcoin đang bị cạnh tranh bởi những tiền ảo khác như Ethereum, Binance Coin... có tốc độ tăng chóng mặt. Vào thời điểm đầu năm 2021, Bitcoin chiếm 70% tổng vốn hoá tiền ảo toàn cầu. Hiện vốn hóa Bitcoin chiếm khoảng 41,5% tổng giá trị thị trường tiền mã hóa. Bitcoin được sinh ra với mục đích trở thành phương tiện thanh toán và là nơi lưu trữ giá trị.
 
Ethereum
 
Ethereum được đưa ra thị trường vào năm 2013 với mục đích là dùng để giao dịch cho một mạng nội bộ cùng tên. Ethereum hoạt động trên nền tảng công nghệ Blockchain.
 
Ethereum được tạo ra với mục tiêu là trở thành một nền tảng dành cho việc phát triển hợp đồng thông minh, đồng Ethereum lúc này có vai trò là phương tiện thanh toán chi phí khi hoạt động của mạng lưới.
 
Tổng giá trị vốn hóa của Ethereum hiện khoảng 434 tỷ USD, bằng một nửa Bitcoin. Vốn hóa của Ethereum chiếm khoảng 20% thị trường tiền ảo. Từ tháng 4/2021 đến tháng 7/2021, cứ mỗi tuần Ethereum lại thiết lập nên một đỉnh giá mới. Tính từ đầu năm đến tháng 7/2021, Ethereum tăng giá khoảng 470%.
 
Binance Coin
 
Binance Coin được phát hành bởi sàn giao dịch Binance vào năm 2019. Đồng tiền này được chạy trên nền tảng Ethereum Blockchain. Mục đích ban đầu của sự ra đời Binance Coin là để giảm chi phí giao dịch trên sàn Binance. Khi Binance dần trở nên thông dụng và phổ biến, đồng tiền điện tử này được dùng để giao dịch trên Binance Chain. Binance Coin có thể được trao đổi thành các loại tiền điện tử khác.
 
Binance Coin là tiền điện tử lớn thứ ba thế giới hiện nay, được đánh giá cao về tiềm năng sinh lời trong tương lai. Sự tăng giá bất thường của Binance Coin trong thời gian gần đây được lý giải bởi nhiều nguyên nhân. Một trong những lý do chính bởi đây là đồng tiền ảo của sàn tiền ảo lớn nhất thế giới Binance.
 
Tether
 
Tether được giới thiệu vào năm 2014, thuộc nhóm tiền điện tử gọi là “stablecoin”. Tether được phát hành trên Blockchain của Bitcoin, là sự bổ sung công nghệ cho đồng Bitcoin.
 
Giá của Tether gắn với giá đồng USD. Mỗi đơn vị Tether (USDT) được hỗ trợ bởi một USD và có thể được mua lại qua nền tảng Tether. Đây là một đồng tiền có tính thanh khoản cao trong ngành tiền điện tử, cho phép người dùng lưu trữ và giao dịch mà không cần qua ngân hàng. Người dùng có thể đổi các đồng tiền ảo khác ra Tether và đổi từ Tether sang tiền mặt. Tether được đánh giá khá cao về tính ổn định và hiện giữ vị trí thứ 4 trên thị trường tiền ảo.
 
Cardano
 
Cardano là loại tiền điện tử được tạo ra bởi một nhóm các kỹ sư, nhà toán học và chuyên gia mật mã. Người đồng sáng lập dự án là Charles Hoskinson, cũng là một trong 5 thành viên sáng lập ban đầu của Ethereum. Sau khi có sự mâu thuẫn nội bộ, ông đã rời đi để xây dựng dự án Cardano.
 
Đồng Cardano được xem như đối thủ của Ethereum nhờ sử dụng thuật toán PoS và sở hữu công nghệ Blockchain nhiều triển vọng hơn. Dù vậy Cardano vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển và còn một chặng đường dài để hoàn thiện.
 
Polkadot
 
Polkadot là loại tiền điện tử dùng thuật toán PoS nhằm mục đích cung cấp khả năng tương tác giữa các Blockchain khác nhau. Người sáng lập Polkadot là Gavin Wood, cũng từng là thành viên trong nhóm nòng cốt của dự án Ethereum.
 
Polkadot khác Ethereum ở chỗ các nhà phát triển có thể tạo Blockchain của riêng họ, đồng thời sử dụng tính bảo mật sẵn có trên Blockchain Polkadot.
 
Việt Nam nghiên cứu, thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ Blockchain
 
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển vô cùng nhanh chóng, vượt bậc của khoa học và công nghệ, nền kinh tế ảo trong thế giới mạng cũng phát triển không ngừng. Trong nền kinh tế ảo đó, rất nhiều loại hàng hóa, dịch vụ mới được hình thành, tạo ra những khoảng trống về mặt pháp lý cần có sự điều chỉnh, mà tiền ảo là một ví dụ cụ thể.
 
Trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, hoạt động phát hành, lưu trữ, đào, giao dịch, đầu tư... tiền ảo diễn ra sôi động và đa dạng; thu hút số lượng lớn người tham gia. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, chưa có định nghĩa cụ thể về tiền ảo và tài sản ảo. Các quy định hiện nay chỉ mới đề cập khái niệm tiền điện tử neo theo tiền pháp định, tồn tại dưới dạng thẻ trả trước ngân hàng, ví điện tử hay Mobile Money. Do chưa có bất kỳ quy định chính thức nào, tiền ảo là một loại tài sản ảo và không phải phương tiện thanh toán hợp pháp. Tại Việt Nam, khái niệm tiền ảo, tiền mã hóa, tiền điện tử, tiền kỹ thuật số chưa được phân định rõ ràng và thường được gọi chung với các đồng tiền mã hóa trên thế giới như Bitcoin. Các quy định hiện nay chỉ mới đề cập khái niệm tiền điện tử được sử dụng trong thanh toán giao dịch. NHNN trước đó nhiều lần khẳng định, Bitcoin và các loại tiền ảo hay tiền mã hóa khác, không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.
 
Trước những diễn biến khó lường và những ảnh hưởng tiêu cực của các hoạt động liên quan đến tiền ảo tại Việt Nam, ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Theo Quyết định này, việc hoàn thiện khung pháp lý phải dựa trên ba cơ sở:
 
- Thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản nhằm giải quyết thực tiễn tất yếu đang tồn tại và sẽ diễn ra;
 
- Góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Việt Nam; hạn chế, ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả các rủi ro, lạm dụng liên quan; cụ thể hóa các chế định về quyền tài sản trong Bộ luật Dân sự năm 2015 trong lĩnh vực tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo;
 
- Nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo để nhận diện, xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý liên quan theo nguyên tắc đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, minh bạch, ổn định và có thể dự báo trước của hệ thống pháp luật, phù hợp thông lệ quốc tế.
 
Đồng thời, việc hoàn thiện khung pháp lý này hướng tới các mục tiêu:
 
- Nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, chính xác bản chất của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo theo kinh nghiệm nước ngoài và thực tiễn Việt Nam; mối quan hệ với tài sản thực, tiền thực; vai trò của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo và tác động của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo tới pháp luật;
 
- Rà soát, đánh giá thực trạng khung pháp lý về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo của Việt Nam; kinh nghiệm điều chỉnh của nước ngoài và tác động tới hệ thống pháp luật liên quan của Việt Nam nhằm nhận diện và xác định thái độ của cơ quan Nhà nước đối với các vấn đề pháp lý liên quan; đề xuất các nhiệm vụ, công việc cụ thể và những định hướng để xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo nhằm đảm bảo tương ứng với các rủi ro liên quan để kiểm soát, giảm thiểu các rủi ro này nhưng không được ảnh hưởng đến sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, đảm bảo tính linh hoạt để phù hợp với sự thay đổi trong sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, thương mại điện tử;
 
- Phân công trách nhiệm, lộ trình thực hiện cho các bộ, ngành liên quan để xử lý các vấn đề đặt ra.
 
Quyết định này là cơ sở pháp lý quan trọng, đặt nền móng cho việc nghiên cứu và ban hành các quy định pháp luật liên quan đến tiền ảo trong tương lai tại Việt Nam.
 
Ngày 11/4/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Chỉ thị đã đề cập đến những rủi ro và hệ lụy của các hoạt động liên quan đến tiền ảo trong thời gian vừa qua có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự, an toàn xã hội và có thể gây rủi ro rất lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia. Trên cơ sở những cảnh báo nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động liên quan đến tiền ảo, Chỉ thị đã yêu cầu các bộ, ngành có liên quan thực hiện việc quản lý các hoạt động liên quan đến tiền ảo nhằm hạn chế những rủi ro, hệ lụy cho xã hội; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
 
Nhằm thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 11/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, ngày 13/4/2018, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo. Chỉ thị đưa ra yêu cầu các đơn vị có liên quan (các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; các đơn vị tại Trụ sở chính NHNN; chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) nghiêm túc thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường kiểm soát, xử lý các giao dịch liên quan tới tiền ảo.
 
Như vậy, thời gian qua, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã có các chỉ đạo, cảnh báo, khuyến nghị liên quan đến tiền ảo, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có khung pháp luật hoàn thiện điều chỉnh đối với loại tài sản mới này; còn nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến tiền ảo được đặt ra.
 
Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg, trong đó, đưa ra kế hoạch nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ Blockchain. Cụ thể, Chính phủ giao cho NHNN là cơ quan chủ trì nghiên cứu, thí điểm tiền ảo dựa trên công nghệ Blockchain, thời gian thực hiện từ năm 2021 đến năm 2023.
 
Theo Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành đồng thời, nghiên cứu, phát triển, làm chủ các công nghệ lõi khác như: Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng nền tảng mở, mã nguồn mở phục vụ chính phủ số; các nền tảng quốc gia hướng tới tạo thành hệ sinh thái để các doanh nghiệp công nghệ số có thể tham gia phát triển các dịch vụ kinh tế số, xã hội số. Đặc biệt, lựa chọn ưu tiên, đẩy mạnh phong trào nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi mà Việt Nam có lợi thế, có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ như QR code, trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain và thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), dữ liệu lớn (Big Data) tạo điều kiện sớm triển khai các công nghệ số tiên tiến trong chính phủ số. Theo đó, cơ quan quản lý có thể thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp công nghệ số nghiên cứu, phát triển các ứng dụng công nghệ mới cho chính phủ số.
 
Quyết định này cũng nhấn mạnh: Quy định về việc sử dụng sản phẩm, giải pháp đã được đánh giá, kiểm định trong triển khai Chính phủ số. Ưu tiên sử dụng các sản phẩm, giải pháp, công nghệ thiết kế, sản xuất bởi các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam trong các hệ thống Chính phủ số. Đây là lần đầu Chính phủ đưa ra nội hàm khái niệm chính phủ số. Theo đó, Chính phủ số bản chất là Chính phủ điện tử, bổ sung những thay đổi về cách tiếp cận, cách triển khai mới nhờ vào sự phát triển của công nghệ số. Ngoài ra, Chiến lược nêu rõ tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam vào nhóm 30 nước dẫn đầu về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số theo xếp hạng của Liên hợp quốc.
 
Trước đó, Thủ tướng đã có Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 ban hành danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia CMCN 4.0, trong đó có công nghệ Blockchain.
 
Không chỉ có NHNN, Bộ Tài chính cho biết, đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo theo Quyết định số 664/QĐ-BTC ngày 24/4/2020 nhằm triển khai công tác nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Hiện nay, Tổ đã bước đầu triển khai công tác nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo cũng như kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động quản lý, giám sát liên quan, nhằm mục tiêu xây dựng khuôn khổ pháp lý quản lý tài sản mã hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
 
Một số khuyến nghị về việc xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ Blockchain tại Việt Nam
 
Để thành công trong xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ Blockchain tại Việt Nam, theo các chuyên gia, có 3 hướng chính cần làm song song: (i) Xây dựng một đồng tiền số CBDC cho VND; (ii) Xây dựng một mạng lưới Blockchain quốc gia (National Blockchain Network). Đây là một hạ tầng Blockchain phục vụ cho các mục đích phát triển các nền tảng số của Việt Nam; (iii) Cho phép người dân đầu tư và sở hữu tiền số kiểu Bitcoin giống như Nhà nước cho phép đầu tư và sở hữu vàng. Các giao dịch mua, bán này được thực hiện qua hệ thống các ngân hàng Việt Nam, tránh dùng các sàn giao dịch thứ 3 không tin cậy và khó quản lý. Mô hình này sẽ giúp mở ra cơ hội cho các ngân hàng Việt Nam, để ngân hàng không bị đứng ngoài cuộc và tránh được chảy máu tài sản từ VND ra khỏi hệ thống ngân hàng, trong khi vẫn cho phép người dân có cơ hội đầu tư tài sản số.
 

 
Để thúc đẩy lĩnh vực này, Việt Nam cần đầu tư lớn về tài chính, con người. CBDC là dự án có ảnh hưởng đến nền kinh tế và an ninh quốc gia, nếu làm tốt cơ hội của Việt Nam là rất lớn; cần đầu tư tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ, nền tảng toán học và lập trình cho nhân lực lĩnh vực công nghệ nói chung và kỹ sư Blockchain Việt Nam nói riêng.
 
Bên cạnh đó, Việt Nam cần có một chương trình trọng điểm về Blockchain. Tiền số nên được vận hành trên một nền tảng phi tập trung, vì nếu chỉ dựa vào các máy chủ tập trung (như của các hệ thống tài chính, ví dụ sàn chứng khoán), thì chỉ cần một sai sót hoặc phá hoại (do con người hay lỗi máy tính), hệ thống tiền tệ sẽ sụp đổ. Không gian tiền số rất lớn, nhiều người cho rằng nó sẽ lớn không thua gì thị trường vàng. Nếu đứng ngoài cuộc, các ngân hàng, tổ chức tài chính sẽ mất cơ hội. Việt Nam nên cho phép các ngân hàng cung cấp dịch vụ giao dịch và quản lý tài sản số, tất nhiên là chỉ các tài sản uy tín.
 
Về vấn đề pháp lý, Việt Nam cần xây dựng và ban hành mới hoặc là sửa đổi pháp luật để điều chỉnh các quan hệ phát sinh từ các hình thức giao dịch mới, các loại tài sản mới nhằm hạn chế rủi ro, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân tham gia: (i) Trước tiên, cần đưa ra một định nghĩa rõ ràng, cụ thể về tiền ảo để xác định phạm vi đối tượng tiền ảo được điều chỉnh theo pháp luật Việt Nam. Từ đó, làm cơ sở cho việc xây dựng các quy định pháp luật khác có liên quan; (ii) Ghi nhận tiền ảo là một loại tài sản mới và coi tiền ảo là một loại tài sản đặc biệt lưu thông có điều kiện; (iii) Cho phép và kiểm soát các hoạt động phát hành tiền ảo ra công chúng; (iv) Cho phép thành lập và kiểm soát các sàn giao dịch tiền ảo.
 
Thách thức lớn nhất trong lĩnh vực này liên quan tới nhiều cơ quan, tổ chức, cả Nhà nước lẫn tư nhân. Chính phủ nên có chính sách thí điểm và cho phép nhiều đơn vị cùng triển khai.


Hỗ trợ riêng SPSS tại: dichvuspss2@gmail.com
Chat trên Messenger (facebook) >>> Nhấn vào đây
Hotline 083 5070 234

Gọi cho chúng tôi bằng cách nhấn vào SĐT màn hình nếu bạn dùng điện thoại

LIên kết trang:
isuzu vĩnh phát | xe tải isuzu vĩnh phát | xe tai vinh phat | giá xe tải vinh phat